Lượt xem: 1700

Vì sao nông dân không mặn mà sản xuất vụ lúa Hè Thu 2022

Hiện nay, xuất hiện tình trạng nông dân ở tỉnh Sóc Trăng và nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không sản xuất vụ lúa vụ Hè Thu 2022, diện tính bỏ vụ ở mỗi tỉnh lên đến hàng ngàn hecta. Vì sao nông dân ở vựa lúa ĐBSCL không mặn mà sản xuất lúa Hè Thu? Giải pháp nào để tình trạng này không trở nên phổ biến?

 


Nông dân trồng môn lấy ngó

 

    Thực trạng về chi phí sản xuất lúa tăng nhanh

    Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt tỉnh Sóc Trăng, vụ Đông Xuân 2021-2022, chi phí sản xuất tăng thêm hơn 6,6 triệu đồng (tăng 30,11%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí phân bón tăng nhiều nhất, tăng 62,55%; kế đến là chi phí làm đất, thu hoạch và công lao động tăng hơn 22%. Các loại phân bón chính như urea, DAP, kali, NPK và giá xăng dầu tăng mạnh khiến chi phí đầu tư cho sản xuất lúa trong vụ Đông Xuân tăng nhanh. Giá thành lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 là 3.929 đồng/kg, tăng thêm 1.219 đồng/kg (44,98%) so cùng kỳ năm trước.

    Vụ Đông Xuân có điều kiện sản xuất thuận lợi, năng suất cao nhưng giá thành vẫn ở mức cao như vậy; trong khi đó, vụ Hè Thu sản xuất trong điều kiện bất lợi, năng suất thấp nên giá thành sẽ cao hơn. Ước tính giá thành lúa vụ Hè Thu năm 2022 có thể biến động từ 4.000 - 4.500 đồng/kg, với năng suất 6 tấn/ha, nông dân sản xuất lúa Hè Thu chỉ lời khoảng 6 triệu đồng/ha. Còn trường hợp thời tiết bất lợi do mưa gió, lúa đổ ngã, bệnh phát triển... làm cho năng suất, chất lượng thấp, thì lợi nhuận thu được còn thấp hơn. Lợi nhuận thấp và rủi ro cao là nguyên nhân khiến nông dân không mặn mà sản xuất lúa Hè Thu.

    Ông Nguyễn Văn Quang, nông dân ở ấp Ba Rinh, xã Đại Hải, huyện Kế Sách phân tích: “Bỏ vụ lúa Hè Thu thì đất được nghỉ một thời gian, vụ sau sẽ giảm được lượng phân bón cho lúa; lợi nhuận vụ Hè Thu cũng chỉ tương đương với chi phí phân bón tiết kiệm được ở vụ sau, nên tôi quyết định không làm vụ này”.

    Một số ít nông dân tận dụng ruộng bỏ trống để nuôi vịt, nuôi ếch, trồng môn lấy ngó,... để có công ăn việc làm và thu nhập thay vụ lúa Hè Thu. Tuy nhiên, so với trồng lúa, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đòi hỏi nông dân phải có kỹ thuật, vốn và nhất là tìm được đầu ra mới thành công; do vậy, chỉ một số ít nông dân thực hiện việc chuyển đổi lúa Hè Thu sang kế hoạch trồng các đối tượng khác.

    Giải pháp để thích ứng với giá vật tư nông nghiệp tăng

    Từ thực tiễn sản xuất tại các hợp tác xã trong vùng dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững cho thấy, các giải pháp trong sản xuất lúa thích ứng với điều kiện vật tư nông nghiệp tăng cao, tránh việc bỏ sản xuất lúa vụ Hè Thu trở thành phổ biến, như sau:

    Nông dân mạnh dạn áp dụng quy trình canh tác tiết kiệm chi phí đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Theo đó, lượng giống gieo sạ không quá 100 kg/ha đối với sạ lan, 80 kg/ha đối với sạ hàng và không quá 60 kg/ha khi sạ theo cụm. Việc giảm giống là tiền đề quan trọng để giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Bón phân hữu cơ vi sinh để cải tạo đất và giảm chi phí trong quá trình sản xuất cũng là giải pháp mang tính lâu dài và bền vững. Tham gia hợp tác xã (HTX) để tổ chức sản xuất, liên kết với doanh nghiệp cả đầu vào và đầu ra nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất là giải pháp cấp thiết hiện nay.

    Giám đốc HTX Nông nghiệp Tín Phát (xã Kế Thành, huyện Kế Sách) Nguyễn Văn Đậm cho biết, thành viên trong HTX khi mua phân bón do HTX cung cấp giá thấp hơn thị trường từ 20.000 đến 40.000 đồng/bao (tương đương 2-3%); trong khi đó, giá lúa do HTX hợp đồng bán cho doanh nghiệp cũng cao hơn bên ngoài từ 50-100 đồng/kg. Ngoài ra, thành viên còn giảm được chi phí khi sử dụng dịch vụ làm đất, thu hoạch và được chia lãi theo mức độ sử dụng dịch vụ của HTX.

    Theo tính toán của thành viên trong HTX, khi áp dụng quy trình canh tác tiết kiệm chi phí, sử dụng dịch vụ của HTX thì nông dân trồng lúa có thể giảm được 15-18% chi phí sản xuất so với nông dân bên ngoài. Do đó, nông dân trong HTX có thể trụ được trước cơn “bão giá” phân bón và nhiên liệu hiện nay.

    Các giải pháp để giảm chi phí sản xuất nêu trên có thể áp dụng cho các vụ sản xuất lúa khác trong năm, giúp nông dân an tâm sản xuất lúa, hạn chế tình trạng bỏ vụ như đã xảy ra trong vụ Hè Thu 2022.

Vũ Bá Quan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 212
  • Trong tuần: 70,639
  • Tất cả: 11,802,646